( nino24 ) - Teen sử dụng Facebook: Đừng share mù quáng
Hoang tin của Nguyễn Khánh Thành được đăng lên Fanpage truongxua.vn rồi được lan truyền trên mạng.
Hình ảnh trong clip bia bẩn.
Nhập địa chỉ email vào form bên dưới để nhận được tin từ đề tài này sớm nhất
( Vui lòng kích hoạt email khi nhận được link kích hoạt nhé )
Nếu thấy hay thì click vào nút follow (G+) bên dưới nhé ! Thanks !
Nếu thấy hay thì click vào nút thích (Like) bên dưới nhé ! Thanks !
Có lẽ đã đến lúc cư dân mạng cần cẩn trọng và ý thức hơn khi share những thông tin, hình ảnh chưa được kiểm chứng nhưng lại có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng.
I. Trưa ngày 7/5/2013, nhiều diễn đàn trên mạng Internet và đặc biệt là mạng xã hội Facebook xuất hiện một thông tin kèm ảnh với tiêu đề: "Cảnh báo đặc biệt cho các bạn nữ Hà Nội". Nội dung của nó dễ khiến người ta hoang mang với những thông tin như: "Xuất hiện kẻ chuyên dùng dao lam rạch đùi nữ sinh tại khu vực nhà hát Lớn Hà Nội"; "Đã có ba bạn nữ bị hại và điều đáng buồn là các bạn không biết bị rạch cho đến khi gió lùa vào thấy xót, nhìn xuống thì đã rớm máu… trong máu có nhiễm HIV…".
Đặc biệt, đi kèm thông tin này còn là bức ảnh phần đùi được băng bó và lưỡi dao lam, cùng lời khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Tớ đã chính thức được biết tin về nạn rạch đùi dính máu HIV là hoàn toàn có thật".
Thông tin này đã nhanh chóng được truyền đi với tốc độ chóng mặt trên mạng Internet. Thậm chí, có những bạn sau khi đọc xong còn lập tức gọi điện thoại cho bạn bè, người thân đang sinh hoạt, làm việc tại khu vực nhà hát Lớn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phải hết sức cảnh giác với tên… "đùi tặc".
Sau khi nhận được thông tin về sự việc trên, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ vào cuộc điều tra làm rõ, tránh hoang mang dư luận. Qua rà soát từ Công an quận Hoàn Kiếm và các phường thuộc quận Hoàn Kiếm, Cơ quan Công an không phát hiện trường hợp thiếu nữ nào bị rạch đùi như đồn thổi.
Mở rộng rà soát sang các quận khác của thành phố, Cơ quan điều tra cũng không ghi nhận được trường hợp thiếu nữ nào bị rạch đùi. Nhiều chiến sĩ cảnh sát hình sự đã phải rà soát các bệnh viện, khắp các con phố... Sau một thời gian điều tra, cho đến 12 giờ ngày 9/5, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội) đã xác định được kẻ tung tin thất thiệt lên mạng Internet là Nguyễn Khánh Thành (27 tuổi, hiện trú tại quận Đống Đa, Hà Nội).
Nguyễn Khánh Thành tại cơ quan Công an.
Tại Cơ quan Công an, Thành khai ngày 7/5/2013, khi xem thông tin từ một facebook có tên "Bánh Nhỏ" nói về việc ở Hải Phòng xuất hiện loại tội phạm mới chuyên rạch đùi nữ sinh, Thành đã nảy sinh ý định đưa thông tin đó lên trang web truongxua... do mình làm quản trị.
Để thông tin được hấp dẫn hơn, Thành đã tự ý biên tập lại, ban đầu từ vị trí nhà hát Lớn Hải Phòng thành nhà hát Lớn Hà Nội và thêm vào đó nhiều thông tin bịa đặt khác với tít dẫn khá ấn tượng: Cảnh báo đặc biệt cho các bạn nữ Hà Nội… và khiến cộng đồng mạng hoang mang 2 ngày liền!
Hoang tin của Nguyễn Khánh Thành được đăng lên Fanpage truongxua.vn rồi được lan truyền trên mạng.
Trước đó, cũng trên mạng Internet từng xuất hiện khá nhiều thông tin sai sự thật. Ban đầu chỉ là những tin đồn nhảm "vô hại" như: "Xuất hiện ma laser tại một khu vui chơi ở Hà Nội". Kịch bản cũng là một facebook tung lên hình ảnh "mờ ảo" về một "con ma" cũng mờ ảo không kém với những dòng chú thích rất ly kỳ, giật gân. Đánh vào sự hiếu kỳ của cư dân mạng, thông tin này cũng nhanh chóng được lan đi khắp các diễn đàn, mạng xã hội.
Một vài fanpage (trang thông tin dành cho người hâm mộ) nổi tiếng cũng đua nhau treo status (trạng thái) nói về đề tài này. Thậm chí có page còn đưa ra nhiều tình tiết để minh chứng cho những điều bất thường, kỳ lạ thường xảy ra ở đây, nhất là về ban đêm. Một vài hình ảnh ghi lại cho rằng tin đồn này là… "sự thật" cũng được tải lên. Tuy nhiên, chỉ cần các bạn trẻ tỉnh táo hơn một chút sẽ nhận ra đó là một tin đồn nhảm nhí. Vì mỗi facebooker lại đưa ra một câu chuyện của riêng mình, không có thời gian, địa điểm cụ thể, chính xác. Thứ hai, những hình ảnh được đưa ra làm minh chứng của việc "có ma" thì hoặc là… người thật hoặc là qua kỹ thuật Photoshop.
Nghiêm trọng hơn, cuối năm ngoái cư dân mạng lại một phen sôi sục vì chứng kiến một clip với tiêu đề "Hậu trường bia hơi phố cổ". Clip có độ dài 4 phút 5 giây ghi lại cảnh một người phụ nữ đang múc bia từ những chiếc xô đựng bia thừa của khách hàng để lại đổ vào bom bia. Nhiều người phán đoán đây là bia vỉa hè ở phố Tạ Hiện!? Rất nhiều cư dân FB đã share link clip này và nhiều người đã tuyên bố "nói không với bia Tạ Hiện".
Tuy nhiên, theo chúng tôi những bức xúc này là… vô căn cứ. Vì chẳng có gì khẳng định là chỗ bia thừa kia sẽ được tiếp tục bán cho khách. Và địa điểm xảy ra sự việc chắc gì đã ở Hà Nội mà có thể ở bất kỳ một quán bia vỉa hè nào đó.
Hình ảnh trong clip bia bẩn.
Đầu tháng 3/2013, một website nhái trang Tin nhanh Việt Nam bất ngờ tung lên thông tin "Công bố 6 môn thi tốt nghiệp năm nay" với nội dung rất ất ơ như "Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013 gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Thể dục, Giáo dục công dân và Công nghệ!". Nhiều bạn trẻ không hiểu mô tê gì đã vội share ầm ầm trên mạng, gây một làn sóng hoang mang cho nhiều học sinh đang học lớp 12 và phụ huynh… Dĩ nhiên sau đó mọi người cũng phát hiện ra đó là thông tin giả.
Ngoài những vụ "nổi đình nổi đám" đã kể trên, còn không ít các hoang tin như đồn "phô mai que được làm từ cao su" hay thông tin "trong sữa bò có đỉa và vi sinh vật lạ"… Những thông tin này chưa hề được kiểm chứng song đã được nhiều cư dân mạng vội vàng đăng lên để "cảnh báo" cho bạn bè, người thân.
Chúng tôi vẫn giữ quan điểm là hành động chia sẻ trên mạng là một hành động đẹp, đáng hoan nghênh. Rất nhiều những trường hợp trẻ đi lạc nhờ đăng trên mạng mà đã tìm lại được, hay nhiều số phận éo le được đăng trên mạng mà đã được các tổ chức, cá nhân giúp đỡ. Tuy nhiên, trước khi share các bạn nên thận trọng. Đặc biệt với những cảnh báo về thực phẩm bẩn hay tình hình an ninh trật tự… có ảnh hưởng đến cộng đồng thì lại càng phải cẩn thận hơn.
Sức mạnh lan truyền của mạng xã hội rất lớn và chỉ cần có một tin đồn, nó có thể tạo nên làn sóng hoang mang, nghi ngờ, dù tin đồn đó là đúng hay sai. Đã đến lúc cư dân mạng cần cẩn trọng và ý thức hơn khi share những thông tin, hình ảnh chưa được kiểm chứng.
Điều 226 Bộ Luật hình sự: "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet" quy định:
1- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
2- Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;
c) Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
|
Nguồn : An Ninh Thế Giới
Người viết : An Ninh Thế Giới
Biên soạn lại : Nino 24
Nhập địa chỉ email vào form bên dưới để nhận được tin từ đề tài này sớm nhất
( Vui lòng kích hoạt email khi nhận được link kích hoạt nhé )
Nếu thấy hay thì click vào nút follow (G+) bên dưới nhé ! Thanks !